Những chiếc iPhone XS và iPhone XS Max đã được Apple chính thức giới thiệu trong sự kiện của công ty, với đại đa số các tin đồn về bộ đôi thiết bị này đã được xác nhận. Điểm nổi bật lớn nhất của việc ra mắt hai chiếc iPhone này chính là không có gì nhiều ngoài các nâng cấp về thông số phần cứng.
Trong khi cụm camera kép ở mặt sau vẫn tương tự như trên người tiền nhiệm iPhone X, nâng cấp lớn nhất về việc chụp ảnh trên bộ đôi iPhone XS là khả năng chụp ảnh điện toán, với tính năng mới có tên gọi Smart HDR.
Mỗi khi bạn chụp ảnh bằng tính năng Smart HDR này, ngay khi ứng dụng camera được mở lên, chiếc điện thoại sẽ chụp liên tiếp lấy 4 khung hình chính, cùng các khung hình phụ với các độ sáng (exposure) khác nhau và một khung hình với thời gian phơi sáng dài dành cho các chi tiết bị tối (shadow detail).
Sau đó chiếc điện thoại sẽ phân tích tất cả các hình ảnh, chọn ra các phần tốt nhất của mỗi bức ảnh, và sau đó kết hợp chúng lại với nhau để tạo nên hình ảnh ưng ý. Với việc camera chụp lại các hình ảnh ngay khi ứng dụng được mở lên, nghĩa là tại ngay thời điểm bạn ấn nút chụp, thì hình ảnh tại thời điểm đó đã được camera ghi lại, với độ trễ gần như bằng không.
Về cơ bản, Smart HDR vẫn là công nghệ HDR, nhưng cách tiếp cận “smart” hơn của Apple chính là việc kết hợp được nhiều khung hình với nhiều độ sáng khác nhau hơn. Điều này mang lại bức ảnh có chất lượng tốt hơn so với công nghệ HDR thông thường, vốn chỉ kết hợp 3 tấm ảnh chụp với ba độ sáng khác nhau mà thôi.
Một điều thú vị là cách tiếp cận về chụp ảnh điện toán này của Apple có phần giống với những gì Google đã làm để mang lại danh tiếng cho camera trên những chiếc Pixel của họ. Tuy nhiên, trong khi Apple cho biết, họ sẽ chọn ra những phần tốt nhất của mỗi khung hình để làm nên bức ảnh cuối cùng, cách làm của Google là lấy toàn bộ các khung hình, kể cả những khung hình bị thiếu sáng, và kết hợp chúng lại với nhau.
Ngoài ra, camera trên các iPhone mới của Apple còn có một tính năng mà Pixel thiếu: khả năng điều chỉnh độ sâu của bức ảnh sau khi chụp. Một thanh trượt khi dịch chuyển sẽ mô phỏng việc điều chỉnh độ mở của bức ảnh chụp. Vì vậy, bạn có thể cô lập chủ thể của bức ảnh bằng cách làm mờ phần nền ảnh (background), hay nói cách khác, bạn có thể đảm bảo mọi thứ mình muốn sẽ trở thành trọng tâm của bức ảnh.
Tham khảo The Verge, PetaPixel